Mặt tối phía sau những đứa trẻ ngoan

Những đứa trẻ ngoan quá nghe lời, muốn làm vừa lòng cả thế giới về sau sẽ khó thành công trong sự nghiệp và chính đời sống cảm xúc của các em cũng bị vùi dập chỉ để làm hài lòng người lớn.
Alain de Botton là một triết gia, tác giả nổi tiếng quốc tịch Anh – Thụy Sĩ, có nhiều cuốn sách về đời sống thường ngày trở thành best-seller. Nhiều tác phẩm của ông đã được xuất bản tại Việt Nam như Luận về Yêu, Nỗi lo âu về địa vị. Ngoài việc viết sách, Alain de Botton sáng lập dự án Book of Life nhằm mục đích chia sẻ quan điểm về các vấn đề xã hội, một trong số đó là chủ đề mặt trái của những đứa trẻ ngoan:
Một đứa trẻ ngoan sẽ làm bài tập đúng giờ, viết chữ đẹp, giữ vở sạch, dọn dẹp giường chiếu gọn gàng, hơi ngại ngùng, muốn giúp đỡ bố mẹ và bóp phanh khi đạp xe xuống dốc. Chúng chẳng bao giờ thể hiện điều gì bất thường, khiến người lớn nghĩ rằng mọi thứ ở chúng đều ổn.
Vì thế, chúng ta luôn nghĩ trẻ ngoan sẽ ổn vì chúng làm những gì được kỳ vọng mà không biết đó chính là vấn đề. Khó khăn sau này của trẻ ngoan, cả trai lẫn gái, xuất phát từ nhu cầu vâng lời quá mức. Một đứa trẻ ngoan chưa chắc đã do bản chất tự nhiên mà có thể vì chẳng còn lựa chọn nào khác.
Nhiều đứa trẻ ngoan vì muốn có tình yêu của người mẹ tuyệt vọng, yếu đuối hoặc để xoa dịu cơn giận của người cha bạo lực, luôn nổi điên. Cũng có thể phụ huynh quá bận rộn và phân tâm; chỉ bằng cách thật ngoan, đứa trẻ mới được chú ý tới. Đứa trẻ ngoan chôn vùi mọi suy nghĩ, cảm xúc thực sự.
Chúng nói toàn lời hay ý đẹp, trở thành chuyên gia trong việc làm hài lòng người khác nên chẳng ai có kinh nghiệm chịu đựng sự tồi tệ của chúng. Đứa trẻ ngoan vô tình đánh mất đi đặc quyền của một đứa trẻ lành mạnh là thể hiện sự ghen tỵ, tham lam, tự cao tự đại mà vẫn được yêu thương và dung thứ.
Hơn nữa, một người lớn từng là đứa trẻ ngoan dễ gặp khó khăn về tình dục. Khi còn nhỏ, họ được khen ngợi về sự trong sáng nên khi trưởng thành sẽ rơi vào suy nghĩ mâu thuẫn. Họ khám phá ra niềm vui trong tình dục nhưng cũng sợ bị đánh giá, kết quả là bỏ mặc ham muốn của mình hoặc thỏa mãn theo những cách không phù hợp.
Bên cạnh đó, trong công việc, người từng là trẻ ngoan cũng khó có thể thành công. Thói quen quá vâng lời không thể giúp bạn tiến xa trên đường công danh bởi mọi ý tưởng, dù tốt đến đâu, cũng vấp phải sự phản đối. Thay vì kiên trì và đấu tranh đến cùng, đứa trẻ ngoan thường bỏ cuộc, chọn sự nghiệp tầm thường chỉ vì cố làm hài lòng cả thế giới.
Muốn trưởng thành một cách lành mạnh, mỗi người phải đối diện với bóng tối của chính mình, học cách chấp nhận rằng người khác chưa chắc đã thích thứ ta thích. Mong muốn trở nên ngoan ngoãn là một điều đẹp đẽ. Tuy nhiên để có cuộc đời tốt đẹp, đôi khi, chúng ta phải biết hư một chút.